Những đại học hàng đầu ASEAN
Web of Science (WoS, Clarivate, Mỹ); cơ sở dữ liệu chuyên thống kê các công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới (thường được gọi tắt là ISI) vừa công bố kết quả khoa học-công nghệ giai đoạn 3 năm gần nhất 2016 – 2018 cho các nước và khu vực trên thế giới. Tại Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) các đại học của Singapore, Malaysia và Thái Lan gần như đang “thống trị” toàn diện.
Trong nhóm 25 đại học/cơ sở nghiên cứu hàng đầu Khu vực ASEAN; ngoài 04 đơn vị không phải là đại học, có 21 đại học của toàn khu vực được xếp hạng trong TOP này. 2 đại học đứng đầu ASEAN là của Singapore với Đại học quốc gia Singapore được xếp thứ 1; và Đại học kỹ thuật Nan Yang xếp thứ 2. Ba vị trí tiếp theo thuộc về 3 đại học của Malaysia lần lượt là: Đại học Malaya, Đại học Putra Malaysia và Đại học Sains Malaysia. Điều đáng nói là trong TOP 25 cơ sở khoa học hàng đầu ASEAN này, Malaysia có 11 đại học; Thái Lan có 6 đại học. Trong 6 đại học của Thái Lan, đứng đầu là Đại học Mahidol, xếp thứ 6 của TOP 25.
Như vậy, 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan có tới 19 đại học trong số 21 đại học hàng đầu ASEAN theo WoS. Các đại học của Malaysia chiếm hơn 50% tổng số đại học hàng đầu của Khu vực.
Hai nước Indonesia và Việt Nam, mỗi nước góp 1 đại học vào TOP 25 này. Đại diện duy nhất của Việt Nam trong TOP 25 khu vực là Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) với vị trí thứ 20. Trong giai đoạn 3 năm, TDTU công bố 2.373 công trình ISI; và cũng với thành tích này, TDTU đã được URAP, một tổ chức xếp hạng đại học thế giới uy tín, xếp thứ 1422 thế giới. Việc Việt Nam có một đại diện trong TOP 25 đại học/cơ sở khoa học hàng đầu của Khu vực ASEAN là điều rất đáng mừng cho hệ thống giáo dục Việt Nam vào đầu năm mới 2019; chứng tỏ rằng những chủ trương đổi mới giáo dục đại học của Đảng và Chính phủ trong thời gian gần đây đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là chính sách tự chủ đại học.
Bảng xếp hạng này cho thấy nhiều điều rất đáng suy nghĩ. 1) TOP 25 đơn vị khoa học-công nghệ hàng đầu này thuộc về 5 nước của ASEAN (lần lượt là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam); 5 quốc gia còn lại của khối (Myanmar, Phillippines, Brunei, Laos, Cambodia) không có đại diện nào trong bảng. Điều này cho thấy thành tựu khoa học-công nghệ và giáo dục là bức tranh phản ảnh thực tế về thành tựu kinh tế-xã hội; cũng như mức độ phát triển của từng quốc gia trong khối. Có nghĩa là thành tựu về kinh tế-xã hội hay mức độ phát triển tổng thể của quốc gia có mối tương hỗ qua-lại rất rõ ràng với thành tựu về giáo dục và khoa học-công nghệ. 2) mặc dù đại diện của Việt Nam (TDTU) có tổng số công trình khoa học-công nghệ trên ISI là 2.373 và đứng thứ 20 trong TOP 21 đại học, đứng thứ 23 trong TOP 25 cơ sở khoa học-công nghệ của ASEAN trong giai đoạn 3 năm qua; con số trên thua Đại học quốc gia Singapore (NUS) đến 10,14 lần. TDTU phải mất ít nhất 7 đến 10 năm nữa mới có hi vọng đuổi kịp NUS nếu vẫn giữ tốc độ phát triển như 12 năm vừa qua. 3) ngoại trừ 3 cơ sở giáo dục, khoa học-công nghệ hiện đang quá mạnh là NUS, Đại học kỹ thuật Nan Yang, và Đại học Malaya; các cơ sở khác đều có số lượng công bố trong 3 năm trên ISI trong khoảng 6.000 đến hơn 7.000 bài; hay khoảng 2.000 đến 2.500 bài/năm. TDTU với thành tựu trên 1.000 bài/năm của 2018 (và sẽ đạt tối thiểu 1.400 bài/năm 2019); có thể đuổi kịp các cơ sở này trong từ 3 đến 5 năm tới. Tuy nhiên, đại đa số các cơ sở giáo dục, khoa học-công nghệ khác của Việt Nam với mức độ sáng tạo khoa học-công nghệ và tri thức mới trong khoảng trên dưới 100 đến 400 công trình ISI/năm thì hầu như không có khả năng vào được bảng này trong vòng 10 đến 15 năm tới.
Đó là thực tế rất đáng suy nghĩ, đáng lo cho hệ thống giáo dục đại học và khoa học-công nghệ Việt Nam.
Dữ liệu do ISI tổng kết (được trích xuất từ WoS):
- Log in to post comments